Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Tăng mức phạt người say rượu, giám đốc công an sẽ xử lý không xuể

'Chúng tôi sẽ phải cần 10 giám đốc công an để ký quyết định xử phạt hàng ngày nếu áp dụng mức phạt 8-12 triệu đồng với hành vi điều khiển xe vượt quá 50 đến 80 mg/100 ml máu', đại diện Phòng cảnh sát giao thông Nghệ An nói.



Tại hội thảo lấy ý kiến về sửa đổi Nghị định 171 sáng 21/9, nhiều lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông các tỉnh thành cho rằng, dự thảo nghị định sửa đổi có nhiều mức phạt tăng cao chưa hợp lý.

Theo Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông Hà Tĩnh Bùi Đức Thuận, người lái ôtô vi phạm nồng độ cồn bị tước giấy phép lái xe đến 12 tháng là chưa phù hợp. Vì phương tiện được người dân sử dụng mưu sinh nên không thể để xe ở nhà mà sẽ vẫn sử dụng "chui" gây mất an toàn giao thông. Do vậy, mức phạt tăng cần phù hợp với điều kiện sống của người dân.

Theo đại diện Phòng cảnh sát giao thông Nghệ An, hiện người vi phạm nồng độ cồn mức độ B là khá nhiều (vượt quá 50 đến 80mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở). Lỗi này trước đây bị phạt từ 7 triệu đến 8 triệu đồng thường do Trưởng phòng cảnh sát giao thông ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên, dự thảo nghị định dự kiến tăng lên từ 8 đến 12 triệu thì thẩm quyền xử phạt lỗi này lại thuộc Giám đốc công an tỉnh.

"Chúng tôi sẽ phải cần 10 giám đốc công an để ký quyết định xử phạt hàng ngày nếu không thì phải hạ mức phạt cao xuống thấp để Phòng cảnh sát giao thông có thể ra quyết định phạt. Cảnh sát giao thông các tỉnh sẽ khó khăn khi áp mức phạt này", vị này nói.

Cũng cho rằng mức phạt quá cao với đời sống người dân, ông Nguyễn Văn Chí, đại diện Công an tỉnh Hải Dương cho rằng, nếu người đi xe máy vượt tốc độ trên 20 km/h bị phạt tới 3 đến 5 triệu đồng và tạm giữ giấy phép lái xe đến 3 tháng thì khả năng người vi phạm sẽ bỏ xe. Bởi mức phạt bằng một tháng lương của công nhân trong khi xe máy không có giá trị tới 5 triệu đồng.

Đại diện Phòng cảnh sát giao thông Bắc Ninh cho rằng, cần giảm mức phạt với xe tải nhỏ khi chở quá tải bởi xe này không làm hỏng đường như các xe container, song phải chịu mức phạt tương đương xe lớn. Phần lớn người dân hiện nay sử dụng xe tải nhỏ.

Ngoài đề nghị điều chỉnh mức xử phạt, nhiều ý kiến còn đề xuất áp dụng tịch thu biển số xe quá tải vì có tình trạng lái xe vi phạm đã chống đối bằng cách bỏ xe, không trình giấy tờ, gây khó khăn cho cảnh sát giao thông.

Ông Thân Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, cũng nhận xét, mức phạt cần cân nhắc khả năng chi trả của dân cư, cả người dân nông thôn và thành thị và có tính răn đe chứ không nên tăng quá mức vượt khả năng chi trả của người dân.

"Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã qua 16 lần sửa đổi từ năm 1995, cho thấy có nhiều lần quy định không sát với thực tế. Lần này chúng ta phải đánh giá toàn diện và quy định phù hợp để có thể áp dụng lâu dài", ông Thân Văn Thanh nói.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của đại biểu, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo tổ soạn thảo tập trung hoàn thiện với tinh thần cầu thị, từ thực tiễn để sớm hoàn chỉnh dự thảo. Quan điểm sửa đổi nghị định lần này là phải dựa trên phương diện phát triển của đất nước và qua quá trình thực tiễn ở địa phương.

Về những hành vi được đề xuất tăng cao mức phạt, Thứ trưởng Thọ cho biết, đó là hành vi nguy hiểm dễ gây tai nạn giao thông, như uống rượu bia khi lái xe, chở hàng quá tải. Hiện nay hành vi chở quá tải, mua bán logo diễn biến phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống cầu đường mà còn đến an ninh trật tự xã hội.

Nguồn : htp://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tang-muc-phat-nguoi-say-ruou-giam-doc-cong-an-se-xu-ly-khong-xue-3282760.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét